Rau Càng Cua Vị Thuốc Quý

Rau Càng Cua ( Cây Thuốc Và Vị Thuốc Quý )

rau càng cua

Rau Càng Cua không chỉ là món ăn ngon mà còn là cây thuốc tác dụng chữa nhiều bệnh. Được dùng dưới dạng thức ăn phòng chữa cảm mạo, ho hen, ăn không tiêu, tăng huyết áp.

Rau càng cua là một loại rau dân dã, bình dị, hầu như nơi nào trên khắp đất nước cũng hiện diện loại rau này. Rau càng cua mọc tự nhiên và rất dễ sống, mọc nhiều vào mùa mưa và khí hậu ẩm ướt.Loại rau này mọc thấp, chỉ cần dạo quanh vườn, trong chậu cây hay bên hiên nhà là đã có một nắm rau càng cua xanh mướt.

Mô tả:

  • Được biết xuất phát có nguồn gốc từ Nam  Mỹ, nay được trồng và phát tán rộng rãi khắp nơi  trở thành cây mọc hoang.  Tên khoa học của rau Càng Cua: Peperomia pellucida, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Ngoài tên gọi Càng Cua, rau này còn có các tên gọi khác như Rau Tiêu hay còn có tên là Đơn Kim, Đơn Buốt, Cúc Áo, Quỷ Châm Thảo, Thích Châm Thảo, Tiểu Quỷ Châm, Cương Hoa Thảo…
  • Có tên khoa học là Peperomia pellucida Kunth thuộc họ hồ tiêu Piperaceae. Cây thảo sống hàng năm, lá thân trơn bóng mọng, xanh tươi trông đã thấy giòn ngon. Ở nước ta, rau càng cua mọc hoang khắp nơi. Hiện nay, ở Hà Nội cũng như một số địa phương có nhiều người rất thích ăn hàng ngày vì nó thơm giòn, ấm bụng, tiêu cơm, đặc biệt rau càng cua có nhiều công dụng phòng chữa bệnh.
  • Rau càng cua chứa nhiều nước, P, Ca, K, Mg, Fe, carotenoid, vitamin C. Rau càng cua góp phần tăng khả năng miễn dịch phòng xơ vữa động mạch, bệnh về mắt, tăng cường sức mạnh cơ bắp, mau lành vết thương, giải nhiệt độc trong cơ thể, phòng chống còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn thiếu máu thiết sắc, bệnh tim mạch và tăng huyết áp, đái tháo đường vì có nhiều kali, magie. Ăn mỗi ngày 100g rau càng cua đủ đáp ứng nhu cầu vitamin của người lớn (50mg).
  • Rau càng cua dùng ăn sống trộn dầu dấm đường xem là ngon nhất, bổ nhất vì giòn, thơm, như dạng cải soong. Ngoài ra còn dùng để xào, nấu canh suông hoặc với tôm nõn, thịt lợn, cho vào cháo nóng, lẩu, đặc biệt ăn sống với ếch chiên, thịt bò xào tái, lươn om; làm dầu giấm với đậu phụ chiên giòn là món chay hấp dẫn. Theo kinh nghiệm dân gian, rau càng cua dùng dưới dạng thức ăn phòng chữa cảm mạo, ho hen, ăn không tiêu, tăng huyết áp. Để có tác dụng mạnh phải ăn cả hoa, quả (nhiều người không biết thường bỏ đi).

Công dụng của Rau Càng Cua:

  • Theo y học cổ truyền, rau càng cua có vị đắng, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tán ứ huyết, chỉ thống, lợi tiểu. Là món ăn bài thuốc rất thích hợp chữa trị chứng phế nhiệt miệng khô khát, chứng huyết nhiệt sinh mụn nhọt lở ngứa, chứng vị nhiệt sinh táo bón, tiểu buốt gắt, và chữa chứng đau mỏi cơ khớp do phong nhiệt. Thường được dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm, viêm dạ dày – ruột, tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp, sốt rét.
  • Ngoài ra nó còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau. Dân gian thường nghiền lá ra đắp để trị sốt rét, đau đầu. Rau càng cua vò nát đắp lên da trị phỏng lửa, phỏng nước sôi, chữa trị bệnh ngoài da rất tốt, nhất là bệnh ghẻ lở, giã nát, vắt lấy nước hòa chút muối và chấm vào vết thương là da sẽ mau lành, liền miệng. Do có tính sinh tân, giải nhiệt, nhiều vitamin, vị hơi chua chua và mọng nước, rau càng cua có tác dụng giải khát, ăn vào những ngày thời tiết oi bức, nóng nực thì thật tuyệt vời, liều dùng trung bình 100-200g tươi.
  • Theo kết quả nghiên cứu của A.C.Bojo và cộng sự, những hoạt chất trong càng cua bao gồm đường, tannin, alkaloid, flavonoid, sterol, saponin steroid và triterpenoid, protein, một ít tinh dầu như caryophyllen, dillapiole, các chất xơ cấu trúc secolignan, naphthalene và nhiều khoáng tố vi lượng như Fe, Mn, Zn và Cu, đặc biệt hàm lượng beta carotene cao hơn trong cà rốt.

Y học hiện đại đã dựa trên tác dụng của các hoạt chất chiết được từ rau càng cua:

  • Tác dụng chống viêm, giảm đau nhức, vì vậy ăn càng cua trị các chứng như đau đầu, sốt, ho, cảm lạnh và viêm khớp. Tác dụng này được so sánh tương đương với aspirine trên thực nghiệm.
  • Tác dụng kháng khuẩn rộng trên các chủng S. aureus, B. subtilis, P. aeriginosa và E. coli, dịch chiết trong clorofoc có tác dụng kháng nấm T. mentagrophytes. Tác dụng này chính nhờ chất patuloside A, một glycoside xanthone từ càng cua được tìm thấy có hoạt tính kháng khuẩn rộng.
  • Chống ung thư, chống oxy hóa tế bào, một số hoạt chất của càng cua có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của một số tế bào ung thư và hơn nữa là nó còn có khả năng thu gom và tiêu hủy các gốc tự do có hại cho tế bào cơ thể. Điều này cho thấy có thể xem càng cua là một loại thực phẩm cần bổ sung để giúp phòng và hỗ trợ chống ung thư.
  • Giảm axit uric trong máu, trong một nghiên cứu sử dụng dịch thiết của rau càng cua trên chuột đã làm giảm nồng độ acid uric là 44% trong máu so với 66% của allopurinol.Kết quả này cho thấy ăn rau càng cua có thể giúp phòng ngừa được bệnh gout. Nhiều tài liệu còn ghi nhận rau càng cua còn góp phần làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
  • Tác dụng ức chế thần kinh, đây là một kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học Bangladesh cho thấy rau càng cua có thể chữa được chứng thần kinh kích thích quá độ. Liều lượng tùy thuộc vào tình trạng hưng phấn.
  • Bảo vệ tim mạch, các khoáng tố vi lượng như K và Mg và chất xơ nhiều trong càng cua còn tốt cho tim mạch và huyết áp nên có thể góp phần chữa bệnh đái tháo đường,táo bón, cao huyết áp…Sắt nhiều trong càng cua nên còn được dùng tốt cho những người thiếu máu. Beta carotene cũng giúp chữa bệnh thị lực kém.
  • Ăn nhiều nhưng không gây béo phì vì nhiều chất xơ và ít calori. Càng cua được hái lúc còn tươi, rửa sạch, ăn sống như salad, nấu canh, xào, trộn với các rau khác để làm rau ghém chấm cá kho, mắm ruốc…Càng cua trộn dầu giấm phi tỏi ăn với thịt bò xào là món ăn khoái khẩu của dân nam bộ.

Một số bài thuốc sử dụng Rau Càng Cua:

  • Viêm họng: rau càng cua 50 – 100g, rửa sạch nhai ngậm, hoặc xay nước uống hàng ngày. Dùng liền 3-5 ngày.
  • Tiểu đường: Rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm (có thể dùng chanh), ếch 1 con (100g), lột da, làm sạch bỏ đầu, lấy thịt tẩm bột, rán chín vàng. Tất cả trộn đều, ăn tuần 2-3 lần.
  • Thiếu máu: Rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm, thịt bò 100g, cho gia vị vừa đủ xào chín tới trộn đều ăn, nóng với cơm. Một tuần ăn 3 lần.
  • Lợi tiểu: Rau càng cua 150-200g, rửa sạch, cho 300ml nước đun sôi , chia 2 lần uống trong ngày. Uống liền 5 ngày.
  • Chữa đau lưng cơ co rút (nhiệt độc nhập kinh thận): Rau càng cua sắc uống mỗi ngày 50 – 100g.
  • Chín mé (sưng tấy, chưa vỡ mủ): Rau càng cua 100 – 150g, cho 250ml nước, đun sôi chia 2 lần uống trong ngày. Bã đắp ngoài.
  • Mụn nhọt: Rau càng cua 150g, rửa sạch ăn sống, hoặc xay nước uống.
  • Chữa ngoài da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành: rau càng cua ăn sống, hoặc xay nước uống, giã đắp ngoài.

Rau càng cua là rau ngon giòn, bổ mát, lạ miệng, là nguồn bổ sung nhiều vitamin vi lượng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, rau có tính hàn, người tỳ vị hư hàn đang tiêu chảy không nên dùng.

Một số món ăn chế biến từ rau càng cua:

Gỏi hải sản

Nguyên liệu:

  • 300g tôm sú bóc vỏ, chẻ lưng, ướp chút đường, hạt nêm, tiêu, tỏi băm, để thấm.
  • Nửa củ hành tây cắt sợi, vắt ráo.
  • Cà chua bi (5 đến 7 trái).

Cách làm:

  • Phi thơm tỏi, cho tôm vào đảo sơ rồi cho ra đĩa. Pha nước trộn gồm giấm, đường, muối, tiêu, tương ớt, trộn đều, nêm vừa ăn. Trộn đều khoảng 200g rau càng cua với tôm, cà chua bi và nước trộn, thêm ớt chẻ sợi và hành phi vào, nêm nếm lại cho vừa ăn. Có thể thay tôm bằng mực, cắt miếng vuông, khứa ca rô, hấp gừng.

Canh nấm

Nguyên liệu:

  • 100g tôm băm nhuyễn, ướp với ít hạt nêm.
  • Rau càng cua khoảng 300g, ngắt bỏ hoa.
  • 100g nấm rơm và nấm kim châm (hoặc các loại nấm ăn khác) ngâm nước muối loãng năm phút, rửa sạch, cắt nhỏ vừa ăn.

Cách làm:

  • Phi thơm tỏi băm với một ít dầu ăn, cho tôm và nấm vào xào sơ, đổ nước vào nấu sôi, nêm vừa ăn. Khi nước sôi cho rau càng cua vào, sôi bùng bắc xuống ngay, rắc thêm chút tiêu, dùng nóng với cơm.

Rau trộn

Nguyên liệu:

  • 300g rau càng cua rửa sạch, ngâm với nước muối, vớt ra để ráo.
  • Ba quả trứng gà luộc chín, bóc vỏ, cắt khoanh mỏng.
  • Một củ hành tây cắt múi cau, một quả dưa leo, để nguyên vỏ, bỏ ruột, cắt xéo.

Cách làm:

  • Pha nước mắm chua ngọt (nếu dùng nước dừa sẽ ngon hơn). Trộn rau càng cua, hành tây, dưa leo với nước mắm chua ngọt. Bày các khoanh trứng lên trên. Nên dùng với cơm trong những ngày hè để thanh nhiệt cơ thể.

Tuy là một loại rau dân giã nhưng càng cua đã được các nhà khoa học trên thế giới chứng minh không chỉ có tác dụng bổ dưỡng, chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn mà nó còn là một chất chống oxy hóa tuyệt vời.

Trên đây là những thông tin do Vườn Thuốc Quý tổng hợp, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về “rau càng cua”.

 Nguồn Bài Viết: Tổng Hợp Internet

Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, để việc điều trị bệnh của bạn có hiệu quả cao nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng!

Có Thể Bạn Quan Tâm

Để lại một bình luận

Địa Chỉ Email Của Bạn Sẽ Được Chúng Tôi Bảo Mật. Ô Đánh Dấu Là Bắt Buộc

Chat Zalo
0823535666