Người Bị Bệnh Suy Tim Có Nên Tập Thể Dục hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi bị bệnh. Nhiều người cho rằng khi bị bệnh không nên tập thể dục. Tuy nhiên, chế độ vận động đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe người bệnh.
Nhiều người lầm tưởng rằng đã bị mắc bệnh tim, đặc biệt là bệnh suy tim, thì không nên tập thể dục. Tuy nhiên, sự thực là đối với bất kỳ loại bệnh nào, việc tập thể dục cũng rất cần thiết và là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Thực chất thể dục làm tăng khả năng sức bóp cơ tim làm giảm các hormone có hại cho tim mạch. Thể dục làm giảm huyết áp đồng thời làm tăng khả năng của hệ hô hấp. Như thế, hoạt động của cơ thể sẽ chóng được phục hồi hơn. Nghe thông tin này nhiều người vội cho rằng cứ thể dục là tốt nên họ tập bất cứ bài tập nào họ thích. Nhưng thực ra bài thể dục cho bệnh nhân tim phải rất nhẹ nhàng, đôi khi chỉ là tập đi, tập đứng.
Người Bị Bệnh Suy Tim Có Nên Tập Thể Dục ?
Việc tập thể dục thường xuyên có nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể và sức khỏe tim mạch. Theo các chuyên gia tại Cleveland Clinic (Mỹ), tập thể dục đem lại những lợi ích sau:
- Tăng cường sức khỏe trái tim và chức năng của hệ tim mạch.
- Giảm các yếu tố nguy cơ đối với tim mạch như béo phì và tăng huyết áp.
- Giúp máu lưu thông tốt hơn và tăng khả năng sử dụng oxy của cơ thể.
- Làm giảm triệu chứng của bệnh suy tim.
- Giúp tăng sức bền, nhờ đó, người bệnh có thể thực hiện thêm nhiều hoạt động mà không bị mệt mỏi hoặc khó thở.
- Cải thiện sức khỏe cơ bắp và hệ xương, tăng khả năng giữ thăng bằng và sự linh hoạt của khớp.
- Giảm mỡ thừa trong cơ thể và giúp duy trì trọng lượng khỏe mạnh.
- Giảm stress, lo âu, căng thẳng và trầm cảm.
- Cải thiện giấc ngủ.
- Giúp thư giãn cơ thể và tinh thần phấn chấn.
- Cải thiện sức khỏe tổng thể.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, bệnh suy tim được chia thành 4 mức độ:
- Với mức suy tim độ I-II, người bệnh vẫn có thể hoạt động thể lực ở mức trung bình. Khi suy tim độ III, người bệnh chỉ làm được những công việc nhẹ. Với mức suy tim độ IV, người bệnh thấy mệt ngay cả khi nghỉ ngơi. Vì vậy tùy vào tình trạng sức khỏe mà có chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp. Việc thường xuyên tập thể dục ở người suy tim sẽ giúp tăng cường các hoạt động sinh lý, tăng khả năng chịu đựng, làm tăng chất lượng cuộc sống.
- Trước khi tiến hành kế hoạch tập thể dục, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ về khả năng và mức độ tập luyện. Thông thường có thể tập 30 phút / ngày với các hoạt động ở mức độ nhẹ hoặc trung bình như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập thái cực quyền, dưỡng sinh, yoga, khiêu vũ, làm công việc nhà…
5 điều nên từ bỏ khi tập thể dục đối với bệnh nhân suy tim:
- Tập ở nơi vắng: Sẽ là rất nguy hiểm nếu như bạn vừa ra viện mà tập thể dục ngoài đường, tập thể dục ở nơi vắng người. Việc tập thể dục cho người bệnh tim mạch là một biện pháp điều trị để hệ tim mạch sớm trở về bình thường. Nhưng nhất thiết cần phải có người theo dõi sát vì họ có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào.
- Tập bài thể dục như lúc còn khỏe: Tập thể dục cho bệnh nhân tim là nhằm để hồi phục chứ không phải để trở thành cơ bắp thêm. Bởi thế, sẽ rất nguy hiểm khi bạn áp dụng chế độ thể dục như khi bạn chưa bị bệnh.
- Nhẹ nhàng nhưng xoắn vặn: Có rất nhiều người cho rằng các động tác yoga đều nhẹ nhàng nên bệnh nhân tim có thể áp dụng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng các động tác không có tính xoắn vặn. Kiểu xoắn vặn trong yoga cũng có thể làm ngẹt đường lưu thông mạch máu chính.
- Môi trường quá nóng, lạnh, ẩm: Những môi trường này gây ra những tác động tiêu cực tới hệ tim mạch, làm hệ tim mạch hoạt động trở nên quá sức cộng với tình trạng rối loạn.
- Tập nhẹ nhưng lâu: Tim của người bị bệnh tim mạch có sức chịu đựng rất kém. Thể dục giúp tim dần quen với cuộc sống chứ không phải rèn luyện cho tim chịu đựng thêm. Việc tập kéo dài, dù là bài nhẹ nhàng cũng khiến ngừng tim hoặc nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
5 điều nên áp dụng khi tập thể dục đối với bệnh nhân suy tim:
- Tâp từ nhẹ đến vừa sức: Điều quan trọng nhất của người bệnh tim là không để cho tim mạch quá sức chịu đựng hiện tại. Vậy nên thể dục cần phải tập từ nhẹ đến vừa sức. Ban đầu chỉ là tập ngồi dậy, sau đó tập men giường, tiếp đến tập đi có người đỡ, rồi sau đó tập đi. Bạn chỉ nên tự tập đi hoàn toàn khi không còn dấu hiệu đau ngực hay khó thở nào xảy ra. Sau đó bạn mới chuyển sang đi bộ chậm và đi bộ thong dong. Cần ngồi nghỉ ngay khi thấy mệt hoặc khó thở, đau ngực.
- Chia nhỏ thời gian tập: Ban đầu khi mới điều trị bệnh chỉ là tập vài chục giây. Sau đó thì kéo dài lên 1-2 phút. Rồi dần dần là 5 phút, 10-15 phút. Nên chia nhỏ buổi tập thành nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng tập liền tù tì trong vòng 1h đồng hồ.
- Tập trong nhà để đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm: Nhiệt độ chỉ nên duy trì từ 26-280C. Độ ẩm chỉ nên trong khoảng 60-70%. Vì vậy phòng tập trong nhà luôn đáp ứng được điều này. Nên thông gió và bật quạt nếu bạn cảm thấy ra nhiều mồ hôi. Bạn nên tránh tập ngoài trời, ngoài công viên một mình, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.
- Chọn bài tập phù hợp: Tránh tập tạ, tập yoga tư thế chèn ép mạch, tập thể dục dụng cụ với vòng dây trên cao, đu xà. Tránh chọn các bài tập cản trở hô hấp và tuần hoàn như bơi, xông hơi nước nóng, yoga nóng. Không chọn các bài tập leo cầu thang cao và kéo dài. Không chọn các bài tập có cường độ vận động cao và thể lực lớn như đá bóng, đánh bóng chuyền, đánh bóng bàn, đua xe đạp, bơi thuyền. Chỉ nên tập đi bộ quanh nhà, vận động tay chân nhẹ nhàng, bước lên bước xuống bậc thềm thấp, chơi cầu lông nhẹ nhàng.
- Nhớ bù nước khi tập: Trước khi tập nên uống một cốc nước. Sau khi dừng tập 15 – 30 phút thì uống thêm cốc tiếp theo.
Bài tập nào tốt nhất cho người bệnh suy tim ?
Người bệnh suy tim không đủ sức mạnh để tập chạy bền, nhảy zumba hay tập nâng tạ nặng, nhưng vẫn có thể thực hiện nhiều bài tập khác có lợi cho sức khỏe… Các bài tập thể dục cho tim mạch được chia thành ba loại cơ bản:
- Bài tập linh hoạt (thường dùng để khởi động): Giúp kéo giãn cơ một cách từ từ. Tập giãn cơ trước và sau khi tập thể dục giúp ngăn ngừa chấn thương, căng cơ và chuột rút. Các bài tập thuộc nhóm linh hoạt bao gồm: Giãn cơ (stretching), thái cực dưỡng sinh (Taichi) và yoga. Tập linh hoạt làm tăng khả năng thăng bằng, ngưỡng vận động và giữ cho các khớp xương luôn khỏe mạnh.
- Bài tập tim mạch (cardiovascular) hoặc aerobic: Các bài tập này đòi hỏi người tập phải sử dụng các nhóm cơ lớn, giúp cải thiện khả năng sử dụng oxy của cơ thể và tăng cường sức khỏe tim, phổi. Các bài tập aerobic rất đa dạng: Đi bộ, chạy bộ, trượt băng, nhảy dây, đi xe đạp (bằng máy trong nhà hoặc ngoài trời), trượt tuyết, thể dục nhịp chậm (low-impact aerobics), chèo thuyền và thể dục nhịp điệu dưới nước (water aerobics).
- Bài tập tăng cường (strengthening): Người tập lặp đi lặp lại các động tác co cơ cho đến khi cơ bắp bị mệt mỏi. Tập tăng cường thường kèm dụng cụ, chẳng hạn như nâng tạ, hoặc kéo dây để làm tăng sức mạnh của cơ.
Trước khi bắt đầu kế hoạch tập thể dục, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để lựa chọn được bài tập phù hợp nhất với thể trạng và tình trạng bệnh của mình. Bác sỹ sẽ cho bạn những lời khuyên về:
- Thời gian và tần suất tập luyện phù hợp.
- Các động tác nên và không nên tập.
- Bạn có nên uống thuốc hoặc đo nhịp tim trong khi tập luyện hay không.
Nên tập thể dục bao lâu một lần ?
- Nói chung, để đạt được lợi ích tối đa từ việc tập thể dục, bạn không nên quá nóng vội mà chỉ tập từ dễ đến khó, thời gian tập từ 20 – 30 phút, ít nhất 5 lần / tuần.
Nguyên tắc tập luyện để không ảnh hưởng đến bệnh suy tim
Chọn đúng bài tập và tuân thủ các nguyên tắc an toàn không chỉ giúp bảo vệ tim mà còn khiến nó khỏe hơn. Mỗi buổi tập cần phải đầy đủ ba giai đoạn: Khởi động (warm-up), điều hòa (conditioning phase) và “làm nguội” (cool-down).
- Năm phút khởi động là thời gian để cơ thể điều chỉnh và thích nghi dần với trạng thái tập thể dục sau đó. Khởi động đúng cách giúp giảm áp lực cho tim cũng như cơ bắp, làm tăng nhịp thở, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể một cách chậm rãi nhưng an toàn. Khởi động cũng giúp cải thiện tính linh hoạt và giảm đau nhức cơ bắp. Bài tập tốt nhất để khởi động là bài tập kéo giãn, vận động nhẹ thực hiện từ dễ đến khó.
- Điều hòa là giai đoạn quan trọng và quyết định hiệu quả tập luyện, thường kéo dài trong vòng 20 – 30 phút. Trong giai đoạn này, cơ thể tăng cường đốt cháy năng lượng và hưởng lợi từ việc tập thể dục. Người bệnh suy tim nên chủ động theo dõi để điều chỉnh mức độ, cường độ tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Bạn nên bắt đầu với thời lượng tập ngắn, sau đó tăng dần lên theo thời gian tập luyện khi cơ thể đã quen dần và thích nghi tốt với chế độ luyện tập.
- “Làm nguội” trong vòng 5 phút là giai đoạn cuối cùng của buổi tập. Giai đoạn này cho phép cơ thể dần phục hồi về trạng thái nghỉ ngơi, đặc biệt là nhịp tim và huyết áp. Không ngồi, đứng yên hoặc nằm ngay sau khi tập thể dục bởi nó sẽ khiến bạn bị chóng mặt, choáng váng và đánh trống ngực. Cách “làm nguội” tốt nhất là giảm từ từ cường độ bài tập, hoặc bạn có thể thực hiện các động tác kéo giãn như trong bài khởi động.
Lưu ý chung khi tập thể dục cho người bệnh suy tim:
- Chỉ tập aerobic sau bữa ăn ít nhất 90 phút.
- Tập từ dễ đến khó, không đốt cháy giai đoạn, đặc biệt là những người không tập thể dục thường xuyên.
- Tập thể dục để khỏe chứ không phải để “hành xác”, vì vậy, nên chọn bài tập mà bạn cảm thấy có hứng thú với nó.
- Luôn luôn khởi động trước khi tập và làm nguội sau khi tập.
- Cần xác định rõ mục tiêu của việc tập luyện (chẳng hạn để giảm cân, tăng cường sức bền, tăng độ linh hoạt…).
- Chọn chương trình tập phù hợp nhất theo hướng dẫn của bác sỹ.
- Tập thể dục gây đổ mồ hôi và có thể khiến bạn thèm uống nước, tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng mình cần giới hạn lượng nước đưa vào cơ thể.
- Đi giày thể thao trong quá trình tập.
- Lên lịch trình rõ ràng cho việc tập luyện, nên tập vào một giờ nhất định trong ngày, tốt nhất là buổi sáng, khi bạn có nhiều năng lượng.
- Kết hợp nhiều bài tập để tránh nhàm chán.
- Kiên trì tập luyện và ghi “nhật ký tập thể dục” để có thể thấy được kết quả sau quá trình dài bền bỉ của mình.
- Thận trọng khi tập thể dục cho người bệnh suy tim.
- Khi có gián đoạn trong lịch tập thể dục, bạn nên bắt đầu lại ở cường độ thấp, sau đó tăng dần lên cường độ cao phù hợp.
- Khi bạn ốm hoặc sốt, nên chờ một vài ngày cho cơ thể phục hồi trước khi bắt nhịp lại với thói quen tập luyện.
- Nếu bạn cảm thấy khó thở hoặc tăng mệt mỏi trong quá trình tập thể dục, nên giảm dần các động tác hoặc ngừng lại để nghỉ. Giữ chân cao khi nghỉ. Nếu bạn vẫn cảm thấy khó thở, nên thông báo cho bác sỹ để được điều chỉnh về thuốc, chế độ ăn hoặc lượng dịch đưa vào cơ thể trong ngày.
- Nếu bạn có nhịp tim nhanh bất thường hoặc hồi hộp, nên ngừng tập, nghỉ ngơi và giữ bình tĩnh. Đo lại nhịp tim sau khi nghỉ ngơi khoảng 15 phút. Nếu nhịp tim của bạn vẫn cao (120 – 150 nhịp/phút), hãy thông báo ngay cho bác sỹ.
- Không nên coi nhẹ nếu có cơn đau. Nếu cảm thấy đau ngực hoặc đau ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể trong quá trình tập, bạn nên ngừng tập thể dục. Tập luyện trong khi đau có thể gây căng cơ và làm hại khớp. Tham khảo ý kiến bác sỹ để có hướng dẫn cụ thể.
- Ngoài ra, bạn nên ngừng tập thể dục và nghỉ ngơi nếu có các triệu chứng trong quá trình tập như: mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, đau/ tức ngực, cổ, cánh tay, hàm, vai hoặc bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn cảm thấy lo lắng. Nếu các triệu chứng không mất đi sau đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để được chỉ dẫn cụ thể.
Cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp nào có thể hồi phục trái tim đã bị suy. Tuy nhiên, nếu tập luyện thể dục đều đặn và ăn uống, dùng thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sỹ, bạn có thể chung sống hòa bình với bệnh suy tim.
Trên đây là những thông tin do Vườn Thuốc Quý tổng hợp, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về “người bị bệnh suy tim có nên tập thể dục không ?”. |
Trả lời