Hóa trị ung thư là phương pháp dùng thuốc (các hoá chất chống ung thư) để chữa bệnh, thường được áp dụng để chữa các bệnh ung thư của hệ thống tạo huyết (bệnh bạch cầu, U limphô ác tính…) hoặc ung thư đã lan tràn toàn thân mà phẫu thuật và tia xạ không có khả năng điều trị được.
Hoá chất có thể điều trị triệt để rất tốt với các loại ung thư rất nhạy cảm với hoá chất như ung thư tinh hoàn, ung thư nhau thai (Choriocarcinome), ung thư tế bào mầm của buồng trứng, và một số ung thư nguyên bào ở trẻ em, ung thư hạch bạch huyết. . .
Một Số Thông Tin Hữu Ích Có Thể Bạn Quan Tâm: |
Hoá chất hỗ trợ cho phẫu thuật và tia xạ: Trong một số trường hợp ung thư đă lan rộng (ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư phần mềm. . .).
Hoá chất điều trị tạm thời (ít dùng): Áp dụng cho ung thư đã lan tràn toàn thân nhưng ít nhiều có nhạy cảm với hoá chất, điều trị nhằm mục đích kéo dài cuộc sống hoặc tạm thời có cảm giác dễ chịu. Điều trị hoá chất không chỉ giá thành hiện nay còn đắt mà thông thường thuốc có nhiều tác dụng độc hại, ví nó như sử dụng con dao hai lưỡi. Bác sĩ chuyên khoa hoá chất phải biết mức độ nhậy cảm thuốc của tế bào ung thư, từng vị trí và giai đoạn bệnh, sức chịu đựng của từng bệnh nhân để chọn thuốc thích hợp hoặc phối hợp nhiều loại thuốc để có tác dụng tối đa trên ung thư và giảm độc hại tối thiểu đối với cơ thể.
Hóa trị ung thư để làm gì?
Tùy vào loại ung thư và giai đoạn phát triển của bệnh, hóa trị có thể đạt được các mục tiêu:
- Chữa khỏi: Sau khi hóa trị không còn tìm thấy tế bào ung thư trong cơ thể và bệnh cũng không có cơ hội tái phát.
- Kiềm chế: Hóa trị làm cho bệnh không phát triển thêm hoặc chậm phát triển.
- Giảm thiểu triệu chứng: Hóa trị làm cho bướu nhỏ đi nên giảm đau cho bệnh nhân.
Trong thực tế, hóa trị ung thư sẽ nằm trong các tình huống sau:
- Hóa trị làm cho bướu nhỏ bớt rồi sau đó phẫu thuật hoặc xạ trị, gọi là hóa trị tân hỗ trợ.
- Sau phẫu thuật hoặc xạ trị, bệnh nhân được bác sĩ tiếp tục hóa trị để tiêu diệt hết những tế bào ung thư còn sót lại để ngăn ngừa tái phát hoặc di căn, gọi là hóa trị hỗ trợ. Chẳng hạn trong điều trị ung thư vú, sau khi đã mổ cắt bỏ toàn bộ vú, nạo hạch nách, bệnh nhân sẽ được hóa trị hỗ trợ nhiều đợt sau mổ để đạt được mục tiêu chữa khỏi.
- Hóa trị cùng lúc với xạ trị để xạ trị có hiệu quả hơn, gọi là hóa – xạ đồng thời.
- Hóa trị liệu giúp diệt các tế bào ung thư khi bệnh tái phát, lan tràn trong cơ thể (di căn).
- Hóa trị liệu liều cao kết hợp ghép tế bào gốc.
Hóa trị ung thư được thực hiện ra sao ?
- Đa số được truyền thuốc qua mạch máu. Bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi, thời gian truyền tùy loại thuốc, thường thì vài giờ truyền trong một ngày hoặc 3-5 ngày liên tiếp, cứ 3 tuần lại truyền một lần, mỗi lần truyền gọi là một đợt hay một chu kỳ.
Những điều cần biết về hóa trị ung thư:
- Đây là phương pháp điều trị toàn thân nên thường được áp dụng cho những loại ung thư có tính chất toàn thân như ung thư máu, ung thư da… hay khi ung thư đã lan rộng. Thuốc được dùng theo dạng uống hoặc tiêm nên sẽ theo đường máu truyền đi khắp cơ thể.
- Các loại ung thư hạch bạch huyết, ung thư tinh hoàn, ung thư tế bào mầm buồng trứng… rất nhạy cảm với hóa chất nên có thể lợi dụng đặc điểm này để tiêu diệt triệt để các loại ung thư kể trên.
- Đối với một số bệnh nhân không thể cứu chữa thì hóa trị có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh và kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Cũng có khi nó kết hợp với cả phẫu thuật và xạ trị trong trường hợp ung thư đã lan rộng.
- Nhằm tránh tác dụng phụ toàn thân thì một số bệnh nhân được lựa chọn giải pháp tiêm thuốc chống ung thư trực tiếp vào mạch máu nuôi khối u, đây được gọi là hóa trị vùng.
- Nhược điểm của phương pháp hóa trị là không chỉ nhằm vào các tế bào bệnh mà còn làm tổn thương các mô, tế bào lành như các tế bào tủy xương và tế bào tiêu hóa trong ruột, làm hại các cơ quan khác như gan, thận, tim… Vì vậy, khi áp dụng phương pháp hóa trị, người bệnh thường xuất hiện những triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, giảm sức đề kháng, rất dễ bị bệnh tật tấn công…
Dựa vào đâu để các bác sĩ chọn phác đồ (công thức) hóa trị ung thư cho người bệnh ?
Có nhiều công thức hóa trị liệu hay phương án điều trị được khuyến cáo sử dụng trên lâm sàng mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh ung thư. Các bác sĩ thường xuyên tiếp cận với các thông tin, các phác đồ mới trên thế giới đều có thể tham khảo để chỉ định cho bệnh nhân của mình. Các bác sĩ quan tâm đến nhiều điều nữa khi chọn công thức điều trị:
- Hóa trị liệu mà người bệnh đã dùng trước đó, nhất là đối với những bệnh nhân tái phát.
- Tình trạng sức khỏe của người bệnh, có mắc bệnh khác kèm theo như tiểu đường, bệnh tim mạch… hay không ?
- Điều kiện đi lại, điều kiện kinh tế, chế độ chi trả của bảo hiểm y tế, các bảo hiểm khác… của người bệnh.
Tác dụng phụ của hoá trị ung thư:
- Nôn và buồn nôn: Xảy ra trong lúc hóa trị, hoặc trong vài giờ, vài ngày sau hóa trị. Ói tuy không nguy hiểm nhưng sẽ làm bệnh nhân mất sức, tinh thần hoang mang, lo sợ. Hiện nay có nhiều thuốc chống ói rất hiệu quả nên ngày càng ít gặp hiện tượng này. Tuy vậy vẫn có thể bị ói nếu bệnh nhân thuộc loại quá nhạy cảm.
- Có cảm giác chán ăn, mệt mỏi.
- Rụng tóc: Thường xuất hiện sau hóa trị vài tuần. Tóc rụng từ từ, từng mảng, đa số bệnh nhân sẽ cạo sạch tóc trước khi tóc rụng nhiều. Không có cách ngăn ngừa rụng tóc. Tốt nhất là đội tóc giả hoặc khăn. Không phải bệnh nhân hóa trị nào cũng rụng tóc, tuỳ cơ thể của từng người và loại thuốc. Do vậy không bị rụng tóc không có nghĩa là thuốc không có hiệu quả.
- Lở miệng: Sau hóa trị vài tuần có thể sẽ bị lở miệng. Nên uống thuốc giảm đau, uống thuốc giảm viêm nếu lở miệng nặng. Giữ vệ sinh miệng bằng cách đánh răng.
- Nhiễm trùng: Hoá trị sẽ “đánh” vào những tế bào phân chia nhanh như tế bào ung thư và những tế bào bình thường như những tế bào bạch cầu đang được hình thành trong tủy xương để chuẩn bị cung cấp cho máu. Bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng.
- Hóa trị làm giảm bạch cầu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và khi bị nhiễm trùng thì rất nặng vì cơ thể không đủ sức đề kháng. Sau hóa trị một tuần, nếu bị sốt, bệnh nhân phải đến bệnh viện ngay để được thử máu, đếm số lượng bạch cầu và kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.
- Chảy máu: Bệnh nhân có thể bị chảy máu mũi, nướu răng, vết bầm (chảy máu dưới da) hoặc nặng hơn là chảy máu trong não gây hôn mê. Nguyên nhân là do hóa trị làm giảm sinh sản tiểu cầu ở trong tủy xương, giống như giảm bạch cầu như đã nói ở trên. Tiểu cầu giúp đông máu, giảm tiểu cầu làm máu chảy không cầm được.
- Những biến đổi ở cơ quan sinh dục: Hóa trị có thể làm bệnh nhân giảm ham muốn tình dục, gây vô sinh hoặc gây quái thai. Bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng như bình thường trong giai đoạn hóa trị nhưng phải ngừa thai. Những cặp vợ chồng chưa có con, trước khi hóa trị có thể tiến hành các biện pháp gửi tinh trùng hoặc trứng dự trữ để thụ tinh nhân tạo sau này.
Làm gì để hạn chế tác dụng phụ của hóa trị ung thư ?
- Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống cũng như chế độ sinh hoạt hàng ngày.
- Người bệnh nên: Ăn uống đủ chất, ăn làm nhiều bữa trong ngày, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước (khoảng 1,5 – 2 lít/ ngày), nước hoa quả, đường… Hạn chế lao động nặng, dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân tốt.
- Người bệnh không nên: Uống rượu, bia, hút thuốc lá, ăn kiêng thái quá, tự ý dùng thuốc không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Tóm lại, với sự phát triển của y học hóa trị liệu là một trong ba phương pháp chính để điều trị bệnh ung thư. Hóa trị liệu ngày càng được phát triển ở Việt Nam và trên thế giới. Phương pháp này gây một số tác dụng phụ nên trong quá trình điều trị, đòi hỏi có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ và sự tuân thủ nghiêm túc của người bệnh về việc sử dụng thuốc cùng với các lời khuyên của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin do Vườn Thuốc Quý tổng hợp, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về “hóa trị ung thư là gì ?, hóa trị ung thư để làm gì ? , tác dụng phụ của hóa trị ung thư…”. |
Trả lời