Ấu ( Cây Thuốc Và Vị Thuốc Quý )
Ấu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ mát, giải nắng nóng, giải độc; ăn thì bổ ngũ tạng. Vỏ quả có tính tăng lực và hạ nhiệt…
Bộ phận dùng:
- Quả – Fructus Trapae, thường có tên là Ô lăng. Có khi dùng cả vỏ quả và toàn cây.
Nơi sống và thu hái:
- Cây của vùng cổ nhiệt đới mọc tự nhiên và cũng được trồng nhiều trong các ao, hồ, đầm, sông cụt, mặt nước.
- Người ta phân biệt hai giống trồng: ấu gai, quả có hai sừng nhọn như gai, năng suất thấp; ấu trụi. quả có hai sừng tù, năng suất cao, thường được trồng nhiều hơn. Người ta dựa vào hình dạng của quả để chia ra: ấu nâng gương là ấu đã ra quả thành thục, chưa quá già, màu nâu, lá không còn nằm ngang mặt nước mà đã lên chếch với mặt nước. Lúc này thu hoạch dễ (vì quả chưa rụng xuống bùn) và luộc ăn ngon; ấu sừng trâu, quả đã già màu đã chuyển từ nâu sang đen sẫm, vỏ cúng như sừng, nhân có nhiều bột, cần thu hoạch sớm.
- Người ta nhân giống ấu bằng quả, từ quả sẽ sinh ra những dây ấu; dùng 4-5 dây này nhổ sát gốc làm một tôm để đem cây nhân giống tiếp hoặc trồng hẳn ở nơi có bùn để cho rễ bám nhanh và để lá nổi trên mặt nước, tuy nhiên trong tự nhiên, quả rụng xuống nước và tái sinh thành cây con dễ dàng lan toả trên diện tích rộng của mặt nước.
- Để làm thuốc, ta thu quả tươi hoặc quả già luộc, lấy nhân ra, bóc lấy vỏ để dành, hoặc dùng cây tươi hay phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
Thành phần hoá học:
- Trong nhân hạt có tới 49% tinh bột, và khoảng 10,3% protid.
Tính vị tác dụng:
- Củ ấu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ mát, giải nắng nóng, giải độc; ăn thì bổ ngũ tạng. Vỏ quả có tính tăng lực và hạ nhiệt.
Công dụng của Cây Ấu:
- Người ta trồng ấu để lấy quả làm thức ăn phụ hoặc để chăn nuôi, còn lá dùng làm thức ăn xanh cho gia súc. Quả thường dùng luộc chín hay rang ăn. Từ hạt có thể chế ra một loại bột, nếu thêm đường hoặc mật làm bánh ăn ngon. Ở Trung Quốc cũng dùng ăn hoặc nấu rượu. Quả cũng dùng làm thuốc giải nắng nóng, giải độc, trừ rôm sảy. Người ta dùng quả sao lên để chữa cảm sốt và đau đầu; còn dùng làm thuốc cường tráng. Ở Campuchia, người ta chế ra một loại nước dễ uống có tác dụng chống suy nhược do bị bệnh sốt rét và các loại sốt khác.
- Vỏ quả ấu còn dùng chữa loét dạ dày và loét cổ tử cung, còn toàn cây dùng chữa sài đậu trẻ em, giải độc rượu và làm cho sáng mắt.
Liều dùng:
- 10-16g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài: giã cây tươi đắp không kể liều lượng.
Đơn thuốc:
- Giải trúng nắng và giải chất độc của thuốc, dùng củ ấu tươi giã nhỏ, chế thêm nước nguội mà uống thật nhiều.
- Chữa rôm sảy hay da mặt khô sạm, dùng củ ấu tươi già xoa.
Trên đây là những thông tin do Vườn Thuốc Quý tổng hợp, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về “cây ấu”. |
Nguồn Bài Viết: Tổng Hợp Internet
Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, để việc điều trị bệnh của bạn có hiệu quả cao nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng!
Để lại một bình luận