Nghệ thuật và văn hóa uống trà của người việt nếu nhìn xơ qua và không tìm hiểu mọi người sẽ tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra rất cầu kỳ và tinh tế.
Về tác phong mời trà phải cung kính, nâng tách trà bằng hai tay tỏ ra rất thanh tao lịch lãm. Qua cung cách này người được mời có thể thấy được phần nào cốt cách sống và hiểu phần nào chịu ảnh hưởng gia phong của người mời trà. Trước khi uống người ta nhẹ nhàng đưa tách trà lên thưởng thức hương trà rồi từ tốn nhấp từng ngụm nhỏ để thưởng thức vị ngon của trà. Từ chất lượng của tách trà người uống sẽ thấy được cái tâm, cái tình của người đã pha chung trà.
Một Số Thông Tin Hữu Ích Có Thể Bạn Quan Tâm: |
Ngày xưa còn nhỏ, tôi nghĩ rất đơn giản về trà, trà là thứ để khi khách đến nhà, ba mẹ lại bắt tôi pha trà mời khách uống. Sau này khi lớn lên, tôi mới hiểu về giá trị của chén trà, người ta có thể đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn cũng chính nhờ trà.
Nghệ thuật thưởng thức trà đạo của Việt Nam
- Có rất nhiều nước trồng chè và tương ứng với nó cũng có bấy nhiều cách thức uống. Cách thức thưởng trà được nâng lên thành nghệ thuật có ở Trung Hoa và Nhật Bản – nơi đã từng coi trà như một tôn giáo như cách gọi trà kinh, trà đạo. Còn ở Việt Nam cách uống trà thể hiện phong phú những khía cạnh văn hoá ứng xử của người dân Việt. Và cách ẩm trà của người Việt cũng rất riêng, rất độc đáo: các bậc tiền nhân xưa cho rằng uống trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức.
- Vì lẽ ấy các bậc tiền nhân thường có cách uống trà như sau: trước khi uống thường đưa qua mũi để tận hưởng hương vị trà, sau mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ thấy chát đắng, chân răng cảm nhận như chặt lại, miệng chép liền mấy cái đã thấy dịch vị trong miệng tiết ra có vị ngọt dịu, lòng sảng khoái luận về trà. Từ chất lượng của ly trà người uống sẽ thấy được cái tâm, cái tình của người đã pha chung trà.
- Người Việt dùng trà nguyên thủy (trà mộc) ướp với nhiều hương liệu khác nhau thành trà sen, trà sói, trà bạch ngọc (ướp hương từ năm loại hoa màu trắng: nhài, cúc trắng, bông bạch, mộc và ngọc lan), trà mật ong, trà long nhãn, trà nhân sâm… Mỗi loại trà làm nên một hương vị khác nhau trong đó trà sen là thứ trà quý nhất mà ngày xưa chỉ dành cho bậc vua chúa thưởng thức. Người Việt thưởng trà theo cách độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), hay quần ẩm (nhiều người) vừa thể hiện văn hóa thuần chất của mình đồng thời vừa có những tiêu chuẩn về chất lượng cũng như vị thế của việc thưởng trà.
- Nếu trà dùng khi độc ẩm (uống trà một mình) là lúc người đó đang nhâm nhi lẩm nhẩm thi thơ ôn luyện, nếu đối ẩm (hai người uống trà) thì cùng cởi mở văn bài tiêu dao, thậm chí hưng phấn cùng cầm kỳ thi họa và cùng nhau thưởng thức tiếng oanh nỉ non ngoài vườn. Trà cũng như người bạn tâm giao của con người khi có tâm sự, giúp cho người ta nhớ đến tri ân, tri kỷ hoặc suy ngẫm về người, về mình, về nhân tình thế thái những năm tháng qua. Khi giận dữ không ai tự pha được ấm trà ngon, chỉ sau khi nguôi ngoai người ta mới có thể ngồi uống trà như một cách thiền “chánh niệm” vậy.
“Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh” là nghệ thuật thưởng trà của người Việt
- Nước chè: Chè thích hợp với nước tinh khiết, nước pha trà ngon nhất là nước đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau, nước hứng được phải đem đun bằng ấm đất trên bếp lò. Bếp lò phải dùng than đốt, vì nó không bốc mùi như củi khô, hay các loại dầu. Đun vừa đủ sôi: với các loại trà xanh thì đun sôi sủi tăm, còn với trà tẩm hương (trà sen, trà nhài, trà cúc, trà bát bảo…) thì đun ở độ sôi đầu nhang. Nếu không đủ sôi thì trà không phai, nếu sôi quá thì trà lại nồng, các cụ gọi là “cháy” trà.
- Chọn chè: Ở Việt Nam xưa, người dân hay uống chè tươi, chè nụ, chè xanh; ngày nay thì có chè khô được sử dụng nhiều.Ông cha ta từ xưa đã uống chè nhiều, và loại chè xưa được chọn là chè tươi. Chè tươi đem rửa thật sạch, sau đó vò thật kỹ để lá chè giập nát, còn cọng chè thì bẻ gãy và tước ra. Nước đun mới sôi rồi cho chè vào, sau đó đun tiếp trong khoảng 15 phút, thấy chè ngấm là đem ra uống được.. Uống nước chè tươi thể hiện tính cộng đồng của văn hóa làng xã Việt Nam, chè tươi không phân biệt chức tước, địa vị, tất cả đều có thể quây quần bên nhau thưởng trà, khác hẳn cách uống trà tàu độc ẩm, song ẩm hay quần ẩm của người Hán. Ngoài chè tươi, ông cha ta còn uống chè khô, tại các nơi trồng chè nổi tiếng như Thái Nguyên, Phú Thọ có “chè mộc”, “chè sao suốt” hoặc “chè móc câu”. Gọi là “chè sao suốt” vì lá chè sau khi hái, được sao bằng tay trong chảo lớn với ngọn lửa liên tục, vừa phải không to quá, không nhỏ quá. Gọi “chè móc câu” vì cánh chè sau khi sao xong sẽ quăn lại giống hình cái móc câu. Gọi là “chè mộc” bởi vì là loại chè không ướp hương hoa…
- Bôi ( chèn trà) và Bình ( ấm trà ): Chèn trà thường dùng chén cỡ hột mít hay mắt trâu, bình trà thì có bình chuyên và bình tống. Trước khi pha trà thì dùng nước sôi để tráng chén và bình, tưới nước lên bình trà, rồi đổ nước ấm lên các chén trà để làm nóng và sạch. Cho trà vào ấm phải vừa đủ lượng (cho ít quá thì nhạt, còn cho nhiều quá thì đắng chát). Rót nước pha trà vừa ngập mặt trà rồi đổ đi để “rửa trà”: Tửu tam trà nhị (rượu chén đến thứ ba mới bắt đầu ngấm, trà nước thứ hai mới ngon). Sau đó rót nước gần đầy bình và đạy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ được hương trà. Đợi khoảng 1-2 phút để trà chín và rót ra để thưởng thức.
- “Ngũ quần anh” là người thưởng trà, bạn trà. Bạn trà khó tìm hơn bạn rượu, có được bạn trà là có được người hiểu mình, là tri kỷ. Rót trà ra mời bạn cũng cần lưu ý, nếu có chén tống ( là chén to nhất ) thì rót ra chén tống trước rồi chia ra các chén quân. Còn nếu không có chén tống, rót thẳng vào chén quân thì rót lần lượt ít một vào từng chén, rồi xoay vòng rót ngược lại. Như thế, các chén trà đều đậm đà như nhau. Khi rót thì thấp tay một chút cho dòng nước chảy vào chén. Tất cả các giai đoạn thưởng trà từ chọn nước, chọn trà, pha trà và rót trà đều phản ánh văn hoá truyền thống và tinh hoa dân tộc Việt Nam, được gìn giữ hàng ngàn năm nay.
- Rượu ngâm nga, trà liền tay: Mời trà thì mời từ người lớn tuổi nhất, cũng giống như mời ăn uống bình thường. Trà rót cũng rót từ chén của người lớn tuổi nhất, chè rót ra phải uống ngay khi còn nóng.Tay nâng ly trà, nhấp từng ngụm nhỏ, thưởng thức trà bằng tất cả tâm hồn, bằng những cảm xúc giác quan, mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm, tay cầm. Hương vị trà truyền thống đọng lại ở cổ sau khi uống cũng như văn hoá dân tộc mãi còn đọng lại trong mỗi con người Việt Nam.
Văn hóa uống trà của người Việt
- Uống trà là một nét văn hoá lâu đời trong phong tục của người Việt. Từ xa xưa, trà đã được sử dụng hàng ngày như một thứ nước giải khát. Các gia đình trong làng thường luân phiên pha trà mỗi tối để thiết đãi cả làng. Cầm chén trà bên bếp lửa hồng, họ nói những câu chuyện về cuộc sống.
- Uống trà trở thành cách hun đúc tình làng, nghĩa xóm, làm con người trở nên thân thiện và gẫn gũi nhau hơn. Dần dần, trà trở thành một phương tiện giao tiếp, mở đầu cho những cuộc gặp gỡ, giao đãi người thân, bạn bè, đối tác… Trà giống như một lễ nghi giữ vai trò giao lưu giữa các giai tầng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, đẳng cấp.
- Trà Việt Nam được chia thành ba loại theo 3 cách thưởng thức trà khác nhau: trà hương, trà mạn và trà tươi. Trà tươi là cách uống trà cổ xưa nhất của người Việt, có lẽ cũng là cổ xưa nhất trên thế giới. Trà được sử dụng hàng ngày thay cho nước lọc, rất phổ biến trong các gia đình ở miền Trung Việt Nam. Trà mạn là cách uống trà không ướp hương, chú trọng đến tinh thần và cách thưởng trà. Trà mạn có những tiêu chuẩn phức tạp về trà, ấm uống trà, cách pha trà và bạn thưởng trà.
- Trà hương là trường phái đặc trưng nhất của trà Việt Nam. Đây cũng là loại trà đặc biệt được người dân vùng đất kinh kỳ Hà Nội rất ưa thích. Các loại hoa thường dùng để ướp trà hương là hoa Sói, hoa Ngâu, hoa Cúc, hoa Sứ và hoa Sen. Điển hình nhất cho nền văn hoá trà hương của Việt Nam chính là trà Sen. Người Việt Nam luôn tự hào với công phu tẩm ướp, pha trà và thưởng trà Sen.
- Khâu phức tạp nhất nhưng quyết định đến chất lượng của trà Sen là khâu ướp trà. Một cân trà phải dùng đến hơn 1000 bông hoa sen, mà phải là sen ở đầm Đồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây. Sen ở đây nổi tiếng với những bông to và thơm hơn hẳn những nơi khác. Hoa sen phải được hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần nhụy hay còn gọi là gạo sen rồi rải đều, cứ một lớp trà là một lớp gạo sen, sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy 5 – 6 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu hơn là cách ướp trà trực tiếp lên những bông sen trên hồ của các bậc trà nhân cổ.
- Có được một ấm trà ngon, thật không dễ dàng, bởi vậy mà cách thưởng trà cũng không thể đơn giản. Người ta thường dùng nước mưa hoặc nước giếng đá ong để pha trà. Thứ nước này thường ít mùi tanh và không lẫn nhiều tạp chất. Cầu kỳ hơn cả, các bậc trà nhân còn sử dụng một thứ nước được hứng từ những giọt sương đêm đọng trên lá sen. Nó được coi là một thứ nước tinh khiết đã ướp hương sen.
- Có nước pha trà rồi, người thưởng trà cũng rất kỹ tính khi chọn bộ đồ trà. Theo cách truyền thống, một bộ đồ như thế gồm có 1 ấm, 1 lồng, 1 chuyên, 4 chiếc quân, 1 khay, 1 hoả lò, 2 ấm đun nước bằng đồng tú. Thông thường, một bữa trà thường sử dụng “Nhất tống tam quân” (1 ấm ba chén). Tuy vậy, tối đa người xưa cũng chỉ khuôn lại 4 người dùng trà để hạn chế tạp khách làm mất đi cái tao nhã của bữa trà.
- Pha trà cũng là một nghệ thuật. Bước đầu tiên được gọi là châm trà. Người pha trà dùng một chiếc thìa tre xúc trà vào ấm. Tiếp theo là rót nước pha trà. Nước chỉ đun nhỏ lửa, sôi lăn tăn, nhiệt độ lý tưởng khi pha là 70 – 80oC. Khi rót nước vào ấm bao giờ cũng rót theo nguyên tắc từ thấp đến cao, rót từ từ rồi mạnh dần nhằm làm cho các cánh chè được ngấm đều. Khi trà đã ngấm, ta trút ra chén chuyên rồi từ đó rót đều ra các chén nhỏ. Làm như vậy, lượng trà vào các chén là như nhau, không có chén nào đậm quá hay nhạt quá. Ngoài ra, người ta cũng có thể rót trà theo cách xếp các chén gần nhau, sau đó rót tuần tự vào các chén theo vòng.
- Đáp lại tình cảm của người rót trà, người uống cũng phải biết cách thưởng trà để thấy hết được cái hay cái đẹp của trà. Thường thường người uống trà khi nâng chén lên không uống ngay mà vừa nâng vừa đỡ, lòng bàn tay chụm che kín miệng chén, đồng thời đưa cao chén trà lên sát mũi hít. Sau đó, người uống trà mới nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Không chỉ thưởng thức trà bằng vị giác mà người thưởng trà còn biết cảm nhận bằng mọi giác quan, từ vị giác, thị giác đến khứu giác, thính giác. Có như vậy, dư vị trà sẽ còn mãi cho dù đã uống hết chén trà cuối cùng…
- Từ xa xưa, uống trà đã là một thói quen, một thú vui thanh tao, hướng nội để thanh tâm tĩnh trí, hướng ngoại để kết giao tri âm tri kỷ. Cho đến tận bây giờ, trà vẫn giữ một vị trí quan trọng trong nếp sống của người Việt. Nhịp sống mới càng năng động và hiện đại, người ta lại càng khao khát tìm đến vẻ đẹp thuần khiết, bình dị của trà. Bởi vậy, trà sẽ mãi toả hương trong dòng chảy văn hoá của dân tộc.
Không gian và thời điểm thưởng trà
- Người thưởng trà sành điệu là người chọn thời điểm uống trà vào lúc mờ sáng (khoảng 4-5 giờ sáng) khi thời khắc âm dương giao hòa, đêm qua – ngày tới), uống trà thời khắc giao hòa này sẽ có lợi cho sức khỏe và tâm hồn, hướng người thưởng trà tới những điều tốt đẹp.
- Về không gian thưởng trà của người Việt cũng đòi hỏi có một không gian rộng để tận hưởng được hết sự tinh túy của trà. Không gian thưởng trà thường mang hơi hướng của văn hóa thiền – là không gian thanh tịnh, thuần khiết, tao nhã, êm dịu. Lý tưởng nhất là những nơi có khung cảnh thiên nhiên đẹp, yên tĩnh, bên trong có tranh ảnh, thư pháp, góc đọc sách báo hoặc bàn cờ.
Phong cách trà Việt
- Phong cách uống trà, văn hóa uống trà của người Việt Nam rất đa dạng không theo chuẩn mực nào, biểu hiện đầy đủ khía cạnh ngôn ngữ sâu xa trong văn hóa ứng xử đầy tính sáng tạo của người pha trà và người được mời uống trà đã được nâng lên bậc nghệ thuật pha trà và văn hóa uống trà.
- Những người hiểu biết về văn hóa uống trà, nghệ thuật pha trà của người Việt Nam thì không bao giờ chịu ảnh hưởng chút nào của người Trung Quốc, Hàn Quốc, càng không giống trà đạo của người Nhật Bản. Có thể khẳng định ở Việt Nam không có trà đạo mà chỉ có nghệ thuật uống trà.
Nếu có ai hỏi tôi “Trà Đạo Của Việt Nam Là Gì ?” tôi sẽ sẽ tự hào và trả lời “Trà Việt Nam Không Phải Là Đạo Mà Là Cuộc Sống Nó Bao Gồm Tình Cảm Gia Đình, Tình Làng Nghĩa Xóm, Tình Bạn, Tình Đồng Nghiệp…” đây chính là nét đẹp trong nghệ thuật thưởng trà của người Việt Nam.
Trên đây là những thông tin do Vườn Thuốc Quý tổng hợp, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về “nghệ thuật và văn hóa uống trà của người việt”. |
Để lại một bình luận