A Ngùy

A Ngùy ( Cây Thuốc Và Vị Thuốc Quý )

a ngùyA Ngùy Là loại cây thảo sống lâu năm, cao từ 0,6 – 1m, cuống lá dẹp bao thân cây, lá chẻ, hoa nhỏ mầu vàng. Dược liệu thường dùng là khối mủ ngưng kết lại có hình dạng lớn nhỏ không đều.

Thành phần hóa học:

  • Trong A ngùy có 10 – 17%  chất dầu , 40 – 46 %  chất nhựa, 25% chất keo, 1,5 – 10% chất tro và 60% các chất vô cơ, 45%  Sec Butyl Profenyl Disulfide, Acid Ferulic, Farnesiferol và Umbelliferon (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
  • Farnesiferon A, B, C (Caglioti L và cộng sự, C A 1960, 54 : 616g).
  • Badrakemin, Coladonin Koladonin, Samarcandin acetate, Polyanthinin, Kamdonol, Gummosin Hofer O và cộng sự (Monatsh Chem 1984, 115 (10) : 1207).
  • Assafoetidin, Ferocolicin (Banerji A và cộng sự, C A 1988, 109 : 51717r).

Tên khác: A ngu, Ẩn triển, Cáp tích nê, Hình ngu (Bản Thảo Cương Mục), A ngu tiệt, Ngùy khứ tật (Hòa Hán Dược Khảo), Huân cừ (Đường Bản Thảo), Ngũ thái ngùy (Trung Dược Chí), Xú  a ngùy (Tân Cương Trung Thảo Dược Thủ Sách).

Tên thuốc: Asafoetida.

Tên khoa học:

  • Ferula assafoetida L.
  • Họ Hoa tán (Umbelliferae).

Xuất xứ: Đường Bản Thảo.

Mô tả:

  • Là loại cây thảo sống lâu năm, cao từ  0,6 – 1m, cuống lá dẹp bao thân cây, lá chẻ, hoa nhỏ mầu vàng. Dược liệu thường dùng là khối mủ ngưng kết lại có hình dạng lớn nhỏ không đều. Mầu tím nâu hoặc  nâu sậm, có khi mầu trắng , vàng . Cứng nhưng khi bóp thì mềm, dính. Có mùi hôi.
  • A ngùy hình khối, đông cứng như mỡ hoặc dính liền với nhau. Mầu sắc đậm nhạt không đều, mặt ngoài mầu vàng hoặc nâu hồng. Cứng hoặc hơi mềm mà dính. Hơ nóng thì mềm ra. Thứ tươi mới cắt ra mầu nhạt,có thể thấy mầu trắng sữa xen lẫn với mâu nâu nhạt hoặc mầu hồng. Mùi hôi nồng (đặc biệt thứ màu nâu tía).
  • Loại tinh sạch, mùi nồng, lâu ngày không tan ra, chỗ cắt mầu trắng sữa là tốt. Nếu thành từng khối to màu nâu xám, lẫn tạp chất ở trong là kém.

Bộ phận dùng: Nhựa cây ở gốc, đóng lại thành cục. Là Nhựa của cây A Ngùy.

Tính vị:

  • Vị cay, tính ôn, không độc, mùi hôi nồng
  • Quy kinh: Vào hai kinh Tỳ, Vị.

Công Dụng Của A Ngùy:

Tác dụng: Tiêu tích, sát trùng, giải độc, trừ đờm, kích thích thần kinh, trừ mùi hôi thối, tống hơi độc ra. Trị tích, báng, sốt rét, cam tích, đau bụng, đau tim.

Tác dụng dược lý:

  • Trong loại Asafetida có mùi hôi, vị đắng mà cay, ảnh hưởng đến trường vị và hệ hô hấp (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
  • Có thể dùng trong các toa thuốc khu phong.
  • Ức chế độ cứng của hạch: Nước  sắc A  ngùy đắp bên ngoài có thể thấm vào các hạch cứng làm cho hạch mềm ra (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Ngừa giun: Dùng chung với Lưu Hoàng ( Sulfur ), Binh lang ( Areca Catechu L.) và Nhục quế (Cinnamomum Sp. ) đổ vào bao tử chuột nhắt có thể làm cho chuột ít mắc phải giun móc ( Ankylostome)  (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Sử dụng liều cao đến 12g vẫn  không thấy ngộ độc (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).
  • Tác dụng chống đông máu: Tiêm nước  sắc A ngùy 10% vào tĩnh mạch chuột cống và chó với liều 2,5-10ml/kg thấy có khả kéo dài thời gian đông máu, bình quân 35-56%. Thí nghiệm trong ống nghiệm thấy thời gian ngưng kết huyết tương là 28-41% (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).
  • Tác dụng kháng bức xạ, tăng bạch cầu, tiểu cầu: A ngùy có tác dụng trị liệu hoặc ngăn ngừa nhiễm phóng xạ cấp, có khả năng nâng cao hoạt xuất của chuột lên ( 30%. Đối với chó bị nhiễm phóng xạ cấp, A ngùy có khả năng giữ được hoạt suất 42,9% (Trung dược dược lý, độc lý dữ lâm sàng).
  • Đối với chuột nhắt, A ngùy có tác dụng hoạt huyết, đối với thỏ nhỏ bị trúng độc cấp, thấy có tác dụng làm tăng bạch hoặc tiểu cầu. Thực nghiệm chứng minh rằng A ngùy dùng uống với liều 0,6mg/kg kết hợp với tiêm tĩnh mạch chuột cống liều 100mg/kg hoặc 200mg/kg thấy có tác dụng ức chế ADP ( ngưng kết tiểu cầu).
  • Lâm sàng trị chứng bạch cầu suy mỗi ngày dùng 30mg,  tỉ lệ đạt 76,6%, cao nhất đạt 93,3% (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Tác dụng phòng chống ung thư: dùng hợp chất JTc – Z6 thấy có tác dụng ức chế ung thư phát triển, tỉ lệ đạt 90% trở lên (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).
  • Tác dụng giảm đau, chống co giật : A ngùy có tác dụng với thần kinh, làm mềm gân cơ, chống co giật  (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).  
  • Độc tính: Liều độc LD50 là 125 ( 75mg/kg. Liều dùng chích là 1520mg/kg, liều uống là 3155mg/kg (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).  
  • Thử nghiệm trên 48 con chó và 26 con thỏ bị ngộ độc A ngùy cấp tính, thấy chức năng gan và điện tâm đồ bị xáo trộn (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).

Tác dụng chủ trị:

  • Trị các loại giun, trừ mùi hôi, phá báng tích, hạ ác khí ( Đường Bản Thảo ).
  • Trị các chứng ác khí ( Thiên Kim Dực phương ).
  • Trị tim và  giữa bụng lạnh ( Hải Dược Bản Thảo ).
  • Trị chứng thi quyết ( cơ thể lạnh như xác chết), phá báng tích, khí lạnh, bụng trướng, sốt rét, hoắc loạn, tim và bụng đau , thận khí, ôn chướng ( Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Giải độc khi ăn phải các loại thịt trâu, dê hoặc  ngựa chết ( Bản Thảo Hối Biên).
  • Cắt cơn sốt rét, chỉ ( cầm ) lỵ, giải độc, tan mùi hôi( Bản Thảo Thông Huyền ).
  • Tiêu tích, sát trùng, giải độc, tán buổi, tán hàn, khử đờm, kháng bức xạ, kháng ung thư, tăng bạch cầu, chống đông máu, trị Tâm giảo thống (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).
  • Trị thần kinh suy nhược, phế quản viêm mạn ( Tân Cương Trung Thảo Dược Thủ Sách).
  • Trị tích báng , trùng tích, nhục tích, tim và bụng đau do hàn, sốt rét, kiết lỵ (Trung Dược Đại Từ Điển).

Cách dùng A Ngùy:

  • Liều dùng: 0,12 – 2g chung với thuốc hoàn hoặc  tán hoặc  chế thành thuốc cao hoặc  nấu thành cao bôi ngoài da.

Cách bào chế:

  • Lấy thứ tốt, không có tạp chất, cắt nhỏ, bỏ vào bát nhám mà nghiền hoặc thêm lẫn với thuốc khác mà nghiền thì dễ nhỏ.
  • Hoà tan A ngùy trong cồn 60 độ nóng, lọc, ép qua vải thưa, loại tạp chất, đến khi cho vào nước nghiền ra không dính tay là được, đun cách thuỷ cho rượu bay còn lại A ngùy.
  • Khi dùng nghiền bột, cho thêm vào một ít Hạnh nhân hoặc Đào nhân thì dễ nghiền nhỏ (Lôi Công Bào Chích Luận).

Bảo quản:

  • Vì mùi hôi nồng cần để vào hộp thiếc kín, để riêng xa các vị thuốc khác khỏi lan mùi. Cần để nơi mát, tránh nóng, tránh làm mất mùi tinh dầu.

Kiêng kỵ:

  • Người Tỳ Vị hư yếu không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).
  • Uống nhiều A ngùy sẽ làm mất khí, hoa mắt (Y Lâm Toản Yếu).
  • Người Tỳ Vị hư yếu, ăn ít, ăn vào lập tức nôn dữ dội, tiêu chảy, cơ thể gầy yếu : không dùng (Bản Thảo Cầu Chân).
  • Người Tỳ Vị suy yếu, phụ nữ có thai không nên dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • “Vì A ngùy có mùi rất hôi, người Tỳ Vị suy yếu ngửi thấy là  muốn nôn ngay” (Đông Dược Học Thiết Yếu).          
  • Có thai không dùng (Trung Dược Dược Lý, Độc Lý Dữ Lâm Sàng).      
Trên đây là những thông tin do Vườn Thuốc Quý tổng hợp, chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau. Với mong muốn mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích về “a ngùy”.

Nguồn Bài Viết: Tổng Hợp Internet

Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, để việc điều trị bệnh của bạn có hiệu quả cao nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng!

Trả lời

Địa Chỉ Email Của Bạn Sẽ Được Chúng Tôi Bảo Mật. Ô Đánh Dấu Là Bắt Buộc

Chat Zalo
0823535666